Một cái ôm dù chỉ 20 giây cũng có thể giúp trẻ phát triển khỏe mạnh hơn, hạnh phúc hơn, kiên nhẫn hơn và hơn hết là gần gũi hơn với bố mẹ. Dưới đây là lợi ích của những cái ôm mà theo các kết quả nghiên cứu đã chỉ ra, bố mẹ có thể tham khảo thêm nhé!
1️⃣. Ôm giúp trẻ thông minh hơn
Hành động ôm ấp là quan trọng với sự phát triển của não bộ của trẻ.
Một đứa trẻ cần nhiều kích thích về mặt giác quan để có thể phát triển một cách bình thường. Những tiếp xúc về da hoặc động chạm về mặt thể chất như ôm là một trong những kích thích quan trọng nhất cần có để trẻ có thể phát triển một bộ não, một cơ thể khỏe mạnh.
Một nghiên cứu được công bố vào năm 1994 chỉ ra rằng những trại trẻ mồ côi ở Đông Âu, trẻ sơ sinh thường hiếm khi được người chăm sóc ôm ấp, vuốt ve. Các bé thường dành 22 đến 23 tiếng một ngày trong nôi. Những bình sữa cho trẻ ăn được đỡ dựng sẵn và hoạt động chăm sóc thường ngày thiếu sự tương tác với người khác. Sau đó, những đứa trẻ này thường phải đối diện với nhiều vấn đề bao gồm khả năng nhận thức bị suy giảm và các kỹ năng vận động cũng chậm phát triển.
Các nhà nghiên cứu phát hiện thấy rằng nếu những đứa trẻ sơ sinh mồ côi được nhận thêm 20 phút một ngày để được ôm ấp, vuốt vẻ trong khoảng 10 tuần thì sau đó trẻ sẽ có điểm cao hơn khi đánh giá về mặt phát triển. Nhưng không phải kiểu động chạm nào cũng có lợi cho trẻ, chỉ có những cái ôm nhẹ nhàng, trìu mến thì mới mang lại những kích thích tích cực với nhu cầu não bộ của trẻ để trẻ phát triển một cách khỏe mạnh.
2️⃣. Ôm giúp trẻ phát triển về mặt thể chất
Tiếp xúc về mặt thể chất cũng quan trọng với sự phát triển về mặt thể chất của trẻ.
Một trong những lý do vì sao hoạt động ôm có liên quan đến sự phát triển về mặt thể chất là kích hoạt não bộ giải phóng oxytocin, được biết đến là hoocmon tình yêu.
Hoocmon này có nhiều tác dụng quan trọng lên cơ thể của chúng ta và một trong số đó là kích thích cơ thể phát triển. Khi nồng độ hoocmon oxytocin tăng lên, một vài những hoocmon tăng trưởng khác như IGF-1, NGF cũng sẽ tăng theo. Kết quả là hành động ôm ấp đầy trìu mến có thể giúp thúc đẩy sự phát triển về mặt thể chất của trẻ.
3️⃣. Ôm giúp trẻ khỏe mạnh
Ôm có thể thúc đẩy sức khỏe của chúng ta và giúp chúng ta chữa lành bằng việc giải phóng oxytocin. Oxytocin là một loại hoocmon có khả năng tuyệt vời, nó mang lại nhiều lợi ích cho cơ thể của chúng ta.
Ví dụ, nồng độ oxytocin tăng cao có thể tăng cường hệ thống miễn dịch và làm giảm nồng độ huyết tương của hoocmon tuyến giáp khiến những vết thương lành nhanh hơn.
4️⃣. Ôm giúp cơn giận dữ của trẻ chấm dứt
Ôm tốt cho cảm xúc của trẻ nhỏ. Bạn có thể thấy rằng không có gì chấm dứt cơn giận dữ của con nhanh hơn bằng những cái ôm vỗ về, âu yếm của bố mẹ.
Nhiều bố mẹ có thể lo lắng rằng hành động ôm một đứa trẻ đang mè nheo, kêu gào, khóc lóc không khác gì là một hành động thưởng thay vì là một hành động phạt. Nhưng không phải vậy.
Khi một đứa trẻ đang ở trong giai đoạn khủng hoảng, không phải là con bướng bỉnh hay muốn lôi kéo sự chú ý của bạn, con chỉ đơn giản là đang gặp khó khăn trong việc tự điều chỉnh và kiểm soát cảm xúc.
Nhưng ôm có thể làm dịu cảm giác lo âu, giải tỏa căng thẳng của trẻ. Vì hành động này một lần nữa kích hoạt não bộ giải phóng oxytocin có thể làm giảm căng thẳng và có tác dụng chống lo âu.
Do vậy, mình cần ôm để vỗ về cảm xúc của con trước rồi sau đó mới có thể dạy trẻ.
5️⃣. Ôm có thể làm tăng sự kiên nhẫn, khả năng tự vượt qua của trẻ
Trẻ nhỏ vẫn chưa đủ trưởng thành để điều chỉnh được những cảm xúc thường sẵn sàng của mình, đó là lý do vì sao khi con đang ở giai đoạn khủng hoảng sẽ rất khó để dừng lại ngay lập tức hành động kêu ca, gào khóc.
Những cái ôm giúp kích hoạt giải phóng oxytocin do vậy mà làm giảm mức độ căng thẳng và ngăn ngừa những tác động có hại. Ôm không chỉ giúp trẻ điều chỉnh hành vi mà nó cũng cho phép một đứa trẻ thực hành điều chỉnh cảm xúc và phát triển khả năng kiên nhẫn, tự vượt qua trước những khó khăn.
6️⃣. Ôm giúp trẻ cảm thấy hạnh phúc
Những cái ôm có thể tăng cường sức khỏe tinh thần của mỗi người.
Sức khỏe tình thần có thể liệt kê ở đây là sự lạc quan, khả năng làm chủ, lòng tự trọng và mỗi cá nhân đều có sự khác biệt với nhau ở 3 mặt này. Trong khi đó, cả 3 khía cạnh này có liên quan mật thiết với nhau và có thể làm giảm những tác động của những tình huống căng thẳng trong cuộc sống. Những cái ôm có thể giúp ích cho những khía cạnh này và khiến một đứa trẻ cảm thấy được yêu thương hơn.
7️⃣. Ôm giúp gắn kết tình cảm của bố mẹ với con cái
Ôm giúp tạo ra sự tin tưởng, làm giảm nỗi sợ và cải thiện mối quan hệ. Hành động này có thể làm tăng đáng kể cảm giác an toàn mà trẻ dành cho bố mẹ, dẫn đến việc mối quan hệ gắn kết giữa con và bố mẹ tốt hơn.
❣❣ Hành động âu yếm, vuốt ve có thể mang lại nhiều lợi ích cho trẻ nhưng giới hạn của con cũng rất quan trọng. Con có thể từ chối những cái ôm khiến con có cảm giác không thoải mái, thiếu an toàn và tôn trọng mong muốn của con. Khi cả con và bạn vui vẻ, những cái ôm mới mang lại đúng lợi ích của nó.